Thứ Ba, 30 tháng 5, 2017

TỤC LỆ XƯA Ở ĐÌNH HÀNG BẠC


KIM NGÂN ĐÌNH THỊ LỆ (HÀ NỘI) 

Điều lệ phố đình Kim Ngân (nay là phố Hàng Bạc, Hà Nội). Sách chữ Hán, biên soạn năm Giáp Dần niên hiệu Cảnh Thịnh 2 (1794), được bổ sung vào năm Thiệu Trị 3 (1843). Hiện có 2 văn bản (1 bản thời Cảnh Thịnh và 1 bản thời Thiệu Trị) lưu tại đình Kim Ngân, số 42 phố Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Bản năm Cảnh Thịnh 2 bị rách nhiều, nên chúng tôi dịch theo bản Thiệu Trị 3 1.
Điều lệ phố đình Kim Ngân
Quan viên, thượng thọ, thượng toát, trùm lệnh trưởng trên dưới phố đình Kim Ngân lập điều lệ.
Thường nghe, triều đình có phép tắc của triều đình, làng xóm có lệ của làng xóm. Huống hồ phố ta vốn có nghề riêng là của báu quốc gia. Nếu không có khoán lệ ràng buộc thì lấy gì cấu kết lòng người. Nhân đó, tham chước cổ lệ mà định cách thức mới. Các điều lệ kê ra sau đây:
Điều thứ nhất, lệ lễ giao thừa: cau trầu 100 miếng, chuẩn gía tiền 1 mạch 40 văn, rượu tinh khiết 1 chai chuẩn giá tiền 18 văn. Lễ thường tân cũng sắm như vậy.
Điều thứ 2, lệ tháng giêng từ nguyên đán đến ngày 2, ngày 3 mỗi ngày dâng gà 1 con, xôi 1 mâm, cau trầu 60 miếng, rượu 1 chai, chân giò 1 chiếc, mỗi lễ chuẩn giá tiền 1 quan. Đương trưởng ăn mặc quần áo tề chỉnh đến rất sớm để thông báo cho bản thị hành lễ. Lễ xong bày cỗ bàn để các vị có mặt thụ lộc. Nay định lệ.
Điều thứ 3, hàng năm vào tháng giêng từ nguyên đán đến ngày 6, ngày nào cũng dâng lễ cau trầu 60 miếng, chuẩn giá 1 mạch tiền, rượu 1 chai chuẩn giá 18 văn tiền.
Điều thứ 4, hàng năm vào tiết khai hạ, dâng lễ gồm 1 con lợn, xôi 1 mâm, giấy tiền 100 tờ, cau trầu 100 miếng, rượu tinh khiết 1 chai. (Tất cả) chuẩn giá tiền 5 quan, còn như khi khá giả thì không theo lệ này. Còn đồ lễ chín như lưỡi, đồ dồi, đại tràng và nội tâm thì cho lên đĩa bát ngọc 1 mâm. Thủ lợn, đuôi, chân giò, thịt lợn và xôi thì bày ở các mâm. Đến giờ, đương trưởng thông báo trên dưới có mặt đầy đủ ăn mặc tề chỉnh áo quần hành lễ. Ai vắng mặt, cho gọi về. Lễ xong, các lễ vật là nội tạng, đầu, đuôi lợn thì kính biếu giáp bàn, chân giò thì biếu trùm giáp, còn cỗ ở mâm ngọc chia đều cho dân trong phường. Số còn lại, bày làm cỗ để người có mặt thụ lộc. Còn thịt lợn thì chia đều các viên trong ngoài phố, mỗi viên một phần, nội thị 12 phần, sau đó đến giáp bàn và giáp trưởng, dân nhập trạch 2 phần, cỗ mâm ngọc 1 phần. 
Điều thứ 5, hàng năm vào ngày 2 tháng 2 lễ nhập tịch, lấy ngày 29 tháng giêng hội họp có mặt đầy đủ bài trí đồ vật và cắt cử chấp sự. Nếu ai vắng mặt sẽ bị phạt 3 mạch tiền cổ hoặc có ai đi xa mà vợ sinh con, hoặc bị bệnh đậu thì trình cau trầu chuẩn giá 1 mạch tiền.
Điều thứ 6, hàng năm tháng 2 lễ nhập tịch, chọn người tế ở các giáp bàn, gồm những vị có chân chức sắc ở xã; hàng văn thì chọn từ bàn ất đến bàn trưởng, gồm những người đỗ đạt và có chân chức sắc, nhiêu ấm; còn như người chấp sự thì từ giáp bàn trở xuống chiếu theo tục lệ của bản phố mà lựa chọn.
Điều thứ 7, hàng ngày bài trí tế khí do trưởng bàn chọn, nếu tế khí bị khiếm khuyết thì bắt phạt người bài trí không tha.
Điều thứ 8, hàng năm vào tháng 2 từ lúc bắt đầu đến khi kết thúc lễ nhập tịch, bản phố túc trực đêm ngày nghiêm ngặt tại đình. Ai vắng mặt mỗi đêm bị phạt 1 mạch tiền cổ. Duy người có đại tang thì châm chước.
Điều thứ 9, hàng năm vào ngày 3 tháng 2 có lệ khoán xướng ca, sắm cau trầu tinh khiết 100 miếng, rượu tinh 1 chai chuẩn tiền 3 mạch. Đương trưởng thông báo trên dưới tề tựu không bắt buộc người có đại tang, tiểu cố (vận hạn nhỏ). Ai vắng mặt, bị phạt 2 mạch tiền cổ. Tất cả hội họp nghiêm túc không được ồn ào. Tri bạ chiểu theo số người trong thường ngạch nếu có ai vi phạm vượt quá trong điều ước thì bắt phạt không tha để giữ nghiêm lệ ước.
Điều thứ 10, hàng năm vào ngày 2 tháng 2 từ lễ nhập tịch đến ngày 12 hết lễ, phải sắm lợn 1 con, xôi 1 mâm, cau trầu tinh khiết 60 miếng, rượu tinh 1 chai, chân giò lợn 1 đôi. Mỗi lễ chuẩn giá tiền 3 quan. Tế xong lấy 1 khoanh cổ biếu thủ bạ, 1 miếng mũi má biếu tế viên, thủ lợn biếu hàng văn, bốn chân lợn biếu 4 tán viên, còn lại thịt và lòng gan thì bày làm cỗ để người có mặt thụ lộc.
Điều thứ 11, mỗi ngày sắm lễ xôi gà, cau trầu tinh khiết 60 miếng, rượu tinh 1 chai, chân giò 1 đôi, mỗi lễ tương đương 1 quan tiền. Lễ xong bày làm cỗ cùng thụ lộc.
Điều thứ 12, mỗi ngày chấp sự hành lễ ăn mặc tề chỉnh, áo mũ nghiêm trang, nếu có ai khiếm khuyết bị phạt 1 con gà, chuẩn giá tiền 3 mạch. Duy người có đại tang, tiểu cố thì đến sau khi lễ xong để cho sự việc trang trọng.
Điều thứ 13, lệ xướng ca, phụng thờ trong lễ nhập tịch, dùng 1 hoặc 2 hoặc 3 trù là tuỳ thuộc lễ to hay nhỏ. Người không có chức trách gì thì ăn mặc tề chỉnh ngồi tại đình xem ca hát. Giáp bàn ngồi ở giữa, từ trùm bàn trở xuống chiếu thứ tự ngồi từ phải qua trái, phân biệt tôn ti cao thấp để giữ nghiêm. Lệ có nhất canh nhất điểm. Người vắng bị phạt tiền cổ 3 mạch, còn người có tiểu cố, đại tang thì ngồi chỗ riêng. Kiểm soát trong ngoài đình, nhưng không o ép trên dưới để cùng vui vẻ.
Điều thứ 14, lệ ca hát trong lễ nhập tịch, biện cỗ bàn, định từ trùm bàn trở xuống thay nhau biện lễ cho đến kết thúc. Mỗi nhất trù 2 viên chỉnh biện 12 cỗ, mỗi cỗ chuẩn giá tiền 3 quan. Nếu ai đang kỳ chịu tang thì để mãn hạn mới được tham dự. Tiền sắm cỗ bàn do bản phố phân phát đều, dự tính trong 3 ngày hội họp tuỳ nghi chiếu bổ cấp tiền. Từ trùm bàn trở xuống số tiền giao cho người làm cỗ thu đủ số để làm cỗ.
Điều thứ 15, lệ trù tiền, bản phố đã có phân chia đều chiếu bổ từ giáp bàn trở xuống sai người đi thu cho đủ. Nếu ai nạp thiếu sẽ bị định tội không tha.
Điều thứ 16, lệ cầu phúc hàng năm (xuân vào 12 tháng 2, hạ vào ngày 12 tháng 5, thu vào ngày 12 tháng 8, đông vào ngày 12 tháng 11), bản phố chiếu cấp từ trùm bàn trở xuống đến nam nữ ngoài phố và người miễn quan dịch, mỗi suất 2 mạch cổ tiền, đương trưởng dự liệu 10 ngày trước thu đủ số. Nếu còn thiếu thì đương trưởng trình phố ứng cho đủ, ai thiếu vắng thì bắt phạt 1 con gà giá tiền 3 mạch. Bản phố chiếu cấp tiền để tuỳ ý mua sắm lễ phẩm, gồm lợn 1 con chuẩn giá tiền 5 quan, gạo nếp chuẩn tiền 6 mạch (khi lễ lớn thì không theo lệ này), cau trầu 100 miếng chuẩn giá tiền là 1 mạch 40 văn, do đương trưởng thu; rượu tinh khiết 1 chai chuẩn giá tiền 18 văn. Hôm đó đương trưởng thông báo trên dưới tề chỉnh mũ áo, hành lễ, không bắt buộc người có sự cố nhỏ. Ai vắng mặt bị phạt tiền 1 mạch. Lễ xong, từ bàn thứ ba trở xuống chia đều (nếu ai thiếu bị phạt 18 văn tiền, số tiền này do người làm cỗ giữ), số còn lại làm cỗ (mỗi cỗ chiếu thứ tự các bàn ngồi, nếu bàn nào bỏ hoặc thiếu khuyết bị định tội toàn bàn 6 mạch tiền cổ). Còn như thủ lợn, đuôi lợn thì để cho giáp bàn, chân lợn thì chia trùm bàn nội, xương chia đều làm ba phần, 1 phần chia giáp bàn, 1 phần trùm bàn, 1 phần lềnh bàn. Trưởng bàn nội lấy lòng lợn, chiết ra nửa phần, còn 1 phần rưỡi bày làm cỗ, 1 phần rưỡi nữa chia đều dân nội thị (dân trong phố) trên dưới. Số thịt lợn còn lại chia đều cả nội ngoại thị (người trong ngoài phố), mỗi người 1 phần, vị trưởng bàn 5 phần, lại chọn lấy 12 phần cùng 12 phần lòng gan biếu giáp bàn để tỏ ý tôn kính.
Điều thứ 17, hàng năm vào tháng tư, lễ cầu phúc, mời thượng toát bàn hành lễ, dâng cỗ chay 1 mâm, rượu 1 chai, cau trầu 60 miếng, đương trưởng nhận lễ biếu tuỳ ý.
Điều thứ 18, hàng năm bốn mùa tám tiết, lễ dâng xôi gà, cau trầu 60 miếng, rượu 1 chai, chân lợn 1 đôi, mỗi lễ chuẩn giá tiền 1 quan (tiết thanh minh tháng 3, ngày 8 tháng tư, đoan dương tháng 5, trung nguyên tháng 7, trung thu tháng 8, trùng cửu tháng 9, trùng thập tháng 10, mồng 2 tháng 12), duy tiết thường tân hoặc lễ ngày 9 tháng 8 chuẩn tiền 3 mạch.
Điều thứ 19, hàng năm lễ trừ tịch, mua áo quần đai mũ hàng mã 2 bộ, giá tiền chuẩn định 2 quan. Lễ thổ địa 1 bộ áo mũ khăn đai, giá tiền 3 mạch, cau trầu tinh khiết 60 miếng, rượu 1 chai 18 văn. Lễ do cựu trưởng chỉnh biện theo như lệ.
Điều thứ 20, bản phố họp định hễ có các tiết hành lễ thì trên dưới nhất nhất ăn mặc tề chỉnh hành lễ như nghi thức. Nếu ai không có áo dài bị phạt 1 mạch cổ tiền để làm giữ cho trang trọng.
Điều thứ 21, lễ nghi các tiết bày trí cỗ bàn, giáp bàn 2 cỗ, cau trầu 100 miếng và để tỏ lòng thành kính.
Điều thứ 22, người nào trong phố có con cháu đã thành gia thất, người buôn bán trong nghề phường nếu là nhiêu nam thì miễn các tạp dịch 1 năm, mãn hạn thì bản phường chiếu khoán cho nhập bạ tịch, cha truyền con nối vào phường nội, chịu sưu dịch, nếu không sẽ sống nơi khác. Người nào khinh mạn, làm trái đi sẽ bị bắt phạt và chịu tiền tổn phí. Phải làm nghiêm để giữ phong tục của phường thị.
Điều thứ 23, trong phố người nào có con cháu đã thành gia thất, lệ phải chịu quan dịch, còn gia đình có người thành danh trong việc học tập thì tạm hoãn quan dịch, cho nạp tiền thay thế theo kỳ hạn. Hàng năm vào tháng tư nạp tiền 6 mạch, nếu học hành không thành, thì tái thu quan dịch theo lệ.
Điều thứ 24, trong phố người nào có con cháu đã có gia thất, lại theo nghề của phường thì tiền thuế, quan dịch 1 năm sau sẽ chiếu bổ vào sổ bạ bản phường nạp 1 quan, cau trầu 100 khẩu chuẩn giá tiền 1 mạch 40 văn, được ngồi ở dưới thứ bàn. Người đó dù tuổi nhiều, cũng không vượt quá hàng thượng thứ hoặc tam tứ, được ngồi theo thứ bậc của cha đẻ, còn như con dể cháu dể, con nuôi được dân xã xác nhận đã theo lệ nạp tiền 1 quan 2 mạch, cau trầu đủ lệ thì cũng được vào ngồi. Người ngoài không được xác thực thì dừng việc buôn bán. Như vậy để phân biệt người khinh kẻ trọng.
Điều thứ 25, người được tôn bầu làm trưởng lễ, sắm lễ gồm xôi gà cau trầu 60 miếng, rượu 1 chai, chân lợn 1 đôi chuẩn giá 1 quan tiền dâng đến đương trưởng, trước 10 ngày có tờ trình xin viên thủ bạ chọn ngày tốt tôn bầu trưởng theo lệ.
Điều thứ 26, lệ từ thứ sang làm trưởng, từ trùm cự bàn đệ tứ viên trở xuống kế tiếp luân phiên đến hết thì lại quay trở về đầu. Mỗi trưởng đảm nhận 3 tháng, không kể tháng nhuận, mỗi năm có 4 vị trưởng, khi mãn hạn được 30 ngày sắm lễ 1 thủ lợn, xôi cau trầu 60 miếng, rượu và chân lợn 1 đôi chuẩn tiền 1 quan 2 mạch. Lễ tạ thì sắm 100 khẩu cau trầu. Đương trưởng nhận và thông báo cho bản phường hành lễ. Sổ bạ ghi chép, tính toán đầy đủ (lệ có điểm số hễ ai thiếu trừ người có đại tang, tiểu cố, thì mỗi viên bị phạt 36 văn tiền). Chiếu bổ từ trên xuống dưới chi tiêu, đều vào sổ bạ, cấp tiền giấy mực trong 3 tháng là 3 mạch. Lại hứa cấp gạo ngon, rượu giá cổ tiền 3 mạch.
Điều thứ 27, lệ có viên nào từ hạng thứ được lên hạng trưởng, sẽ được miễn mỗi trưởng thay tiền nạp là 6 quan tiền cổ.
Điều thứ 28, lệ viên nào từ thứ thăng lên trùm cự bàn, lệ nạp tiền 3 mạch, còn thăng lên trùm nhị bàn thì nạp tiền 6 mạch.
Điều thứ 29, viên nào từ hàng thứ luân phiên thăng lên thượng toát bàn, lệ nạp trâu, bò hoặc lợn giá tiền 18 quan. Bản phường tuỳ nghi mua lễ phẩm. Tiền giấy bút cho viên thư tả là 1 quan. Tuỳ thời mà chỉnh biện tiền vọng 5 quan, cau trầu 100 miếng, nội thị lấy 6 miếng để đưa đến giáp bàn. Số khác chia đều trên dưới, mỗi vị 1 khẩu. Còn lại thì mời người có mặt thụ lộc. Vọng tiền chia làm 3 phần, nội thị 2 phần, giáp bàn chia đều làm 6 phần. Viên thăng thứ hạng được 1 nửa phần, số còn lại lại chia làm 5 phần, nội thị 1 phần, lại chia làm 3 phần, nội thị 2 phần, dâng trùm bàn 1 phần, chia đều từ lềnh bàn trở xuống cho các viên.
Điều thứ 30, viên nào luân phiên thăng giáp bàn lên đệ nhất viên có lễ cáo yết gồm xôi gà cau trầu. Lễ phẩm kính biếu bản phường.
Điều thứ 31, bản phố họp định viên nào từ thứ hạng luân lưu thăng lên giáp bàn, cùng đệ nhất viên chưa mãn hạn hương ẩm của phố mà luân lưu thăng lên đến đệ nhị thứ viên, thì nạp đơn xin bản phường chiếu xét theo khoán lệ. Cho luân lưu thăng lên giáp bàn đệ nhất. Nếu viên nào không khao vọng thì chỉ dừng ở đệ nhị thứ, không được thăng nữa.
Điều thứ 32, trong phố ta có viên nào đỗ tiến sĩ bên văn và tạo sĩ bên võ, trong ngày yết bảng, dân phố ăn mặc tề chỉnh đón rước. Lệ có lễ khao là 1 con bò giá tiền 10 quan. Các vị tân khoa yết kiến Thánh sư, lễ vật tuỳ nghi. Còn như việc quan dịch, khao thưởng do thứ thủ phiên và trưởng phường châm chước miễn giảm. Duy những người từ thứ luân thăng lên giáp bàn, chiếu như khoán lệ. Hễ đến ngày kỳ phúc tháng tư, hoặc có trâu bò, lợn thì kính biếu 1 cái thủ để làm trọng thêm Nho phong, đẹp thêm phong tục trong phường.
Điều thứ 33, trong phường có viên nào thi trúng tứ trường, sau ngày yết bảng, được mừng lễ vật là 1 con lợn giá 5 quan tiền. Viên đó ăn mặc tề chỉnh sắm lễ đến cáo tế Thánh sư, lễ tuỳ gia chủ, một lễ khác trình bản phường. Còn việc quan dịch, mua bán (danh vị), phụ trợ (tài chính) do thủ phiên và phường trưởng châm chước chiếu giảm. Duy viên nào từ hạng thứ lên trưởng sẽ được miễn. Lệ định viên trưởng nạp 3 quan tiền. Hễ luân lưu thăng lên giáp bàn thì theo như chiếu khoán. Đến ngày lễ cầu phúc mùa xuân, mùa thu, viên đó ăn mặc tề chỉnh, sắm lễ cau trầu dâng lên bản phường. Khi có lễ trâu bò thì được biếu 1 khoanh thịt, 1 oản xôi để làm trọng phong hoá.
Điều thứ 34, doanh môn nhất hạng là nhiêu (nam) đều được miễn, duy việc quan dịch, mua bán (danh vị), phụ trợ (tài chính) theo như người trong phố, hễ có sự luân lưu thăng lên thủ phiên, thì theo lệ của bản phố ta, quan dịch nhất nhất phải gánh nhận. Còn như từ thứ lên trưởng mà hiện đang theo học thì bản phường cho miễn và được nạp tiền thế, lệ là mỗi trưởng 5 quan tiền cổ; còn nếu không đi học thì vẫn đảm nhận theo như lệ để nêu gương người khác.
Điều thứ 35, lệ trong phố có vị nào từ sơ thụ các chức sắc đến sinh viên trong xã trở lên, từ tam tiết đến khai hạ, đều có lời mời thì bản phố đến chúc mừng cau trầu 1 buồng giá 3 mạch tiền, trà bánh tuỳ theo lễ phẩm to nhỏ.
Điều thứ 36, người ngoài phố có viên nào thi trúng tiến sĩ và tứ trường, tam trường, nếu có thịnh tình mời bản phố đến chúc mừng 1 buồng cau. Duy người trúng tiến sĩ và trúng tứ trường thì sắm 1 lễ phẩm cáo yết Thánh sư (tuỳ lễ phẩm), 1 lễ dâng bản phố và việc quan dịch nhất nhất được châm chước miễn trừ.
Điều thứ 37, lệ trong phố có vị nào được chúc thọ, nếu đến tuổi thọ 70 thì bản phố đến chúc mừng 1 tấm vải lụa, giá 3 quan tiền; người thượng thọ 80 thì bản phường đến chúc mừng 1 tấm vải lanh giá 5 quan tiền; người thượng thọ 90 và 100 tuổi được chúc mừng bộ áo quần lanh, mũ tiên, trượng trúc chuẩn giá tiền 10 quan. Hàng năm, vào hai kỳ lễ xuân thu được biếu 1 oản xôi, 1 khoanh thịt. Nếu ai có tứ thân phụ mẫu và mệnh phụ và người ngoài phố thượng thọ mà có lời mời thì bản phố đến mừng cau 1 buồng, biếu xén theo lệ định. Các việc quan dịch nhất nhất được châm chước miễn trừ.
Điều thứ 38, lệ nạp tiền hương giai (tiền nộp cho phường khi đi lấy chồng) không phân biệt người trong, ngoài phố. Có ai xuất giá lấy chồng trong phố thì nạp tiền 6 mạch, cau trầu 100 khẩu giá tiền 1 mạch 40 văn. Còn ai lấy chồng người ngoài phố thì nộp 1 quan tiền 2 mạch, cau trầu đủ dùng theo lệ. Những nào lấy chồng biệt xứ thì chia làm 3 loại: một loại nạp 10 quan 8 mạch tiền, cau trầu 100 khẩu, loại thứ hai nạp 7 quan 2 mạch tiền, cau trầu như lệ định, loại thứ ba nạp 4 quan 8 mạch tiền, cau trầu đủ dùng theo lệ.
Điều thứ 39, trong phố có ai trăm tuổi về già, sau 3 ngày, trưởng phố thông báo với dân trong phố đến điếu phúng. Viên hàng nhất của Giáp bàn phúng 6 quan tiền, cau trầu 1 khay (30 khẩu). Các viên Giáp bàn phúng tiền 5 quan, cau trầu 1 khay, ất bàn phúng tiền 3 quan, cau trầu 1 khay, bàn Bính Đinh trở xuống chỉ phúng 3 quan tiền. Chiếu theo thứ hạng hành lễ, trên chắp, dưới vái. Ngày tống chung, đương trưởng thông báo với bản phố trên dưới và người ngoài phố đến đưa tiễn. Đưa đến bờ sông gần thành vào lúc giữa ngày để đi tiếp đến mộ. Có lệ tam tiết, mỗi viên nạp 1 mạch tiền cổ. Nếu là song thân và mệnh phụ thì chỉ đến điếu và tiễn đưa. Người ngoài phố và ngoài song thân thì chỉ đưa tiễn. Duy viên đệ nhất bàn giáp khi trăm tuổi mà mai táng về ở quê cũ, thì chọn từ giáp bàn đến trưởng bàn, mỗi bàn 1 vị về quê đưa tiễn đến mộ. Nếu ai để khiếm khuyết sẽ bị bắt phạt 1 con lợn chuẩn tiền 3 quan, hoặc có ai thiên lệch để thiếu nghiêm túc cũng bắt phạt như trên. Duy những người chưa đủ kỳ hạn vào dân phố thì không theo lệ này. Làm như vậy để đẹp hơn tục lệ.
Điều thứ 40, khi phố thực hành quan dịch, người nào có vợ sinh con, hoặc con đau ốm thì trình cau trầu lên bản phường, nhưng báo trước 1 tháng.
Điều thứ 41, bản phố thực thi công vụ gặp lúc khó khăn thì việc ăn uống không nhất thiết phải có mặt đông đủ trên dưới.
Điều thứ 42, bản phố mỗi khi hội họp đều điểm số, ai vắng mặt bị phạt tiền 1 mạch, cau trầu trình tương đương 36 văn. Những người có việc khẩn cấp thì tuỳ nặng nhẹ mà không áp dụng điều lệ này.
Điều thứ 43, lệ về thu tiền đúc vàng để lấy tiền làm lễ hội vào tháng tư, hễ trong phố có ai nhận đúc vàng, mỗi lượng thu 36 văn tiền (thu từ 5 tiền trở lên). Vàng mỗi hốt (không kể tốt xấu) thu tiền 30 văn. Người ngoài ngụ cư ở phường thì thu một nửa. Nếu việc chi dùng còn thiếu thì thu thêm. Người nào cố tình gian lận thì không kể người già, phụ nữ, chánh, thứ mà bị bản phường tra rõ thực trạng sẽ bị phạt 1 con lợn giá 1 quan 8 mạch tiền. Còn tiền công đúc vàng thì sẽ bị truy thu để giữ nghiêm tục lệ.
Điều thứ 44, hàng năm làm vàng cống phẩm, phải mua nguyên liệu nấu, không cứ nhiều ít mà chia làm 3 loại: thượng toát và lão phụ miễn dịch thu 1 phần, từ trùm bàn trở xuống thu 1 phần rưỡi, còn nửa phần thì nam nữ ngoài phố cùng chịu.
Điều thứ 45, người ngoài phố có ai buôn bán chịu quan dịch thì theo như dân trong phố. Duy người phụ nữ ngoài phố thì cho nộp nửa phần.
Điều thứ 46, khi dân phố hội họp thấy vị trưởng phố đến thì phải đứng dậy nghênh tiếp. Ai làm trái sẽ coi là thất lễ bị bắt phạt 1 con gà giá tiền 3 mạch, hoặc có ai trong khi uống rượu ngoa ngôn thất lễ, kẻ dưới lăng mạ người trên, thì tuỳ nặng nhẹ mà bản phố định phạt không tha để giữ nghiêm phong tục.
Điều thứ 47, bản phố thực thi quan dịch, bổ cho tam trực (ba cơ sở thường trực) thuộc các lò đúc vàng: lò đúc 2 lượng 5 hốt, lò đúc 2 hốt 10 hốt và lò nấu than củi để thu tiền công tạm chi việc chung. Chi phí xong, thông báo toàn phố để chiếu bổ thu giao cho đương trực hoàn trả. Người ngoài không dùng lệ này. Đương trực báo cáo với thị trưởng để thông báo với toàn phường thực hành công vụ. Ai để khiếm khuyết sẽ bị định tội.
Điều thứ 48, bản phố tuân thủ duy trì lệ cũ, đã phân làm tam trực để ứng phó công vụ, luân lưu hễ đến đương trực nào nếu có mua bán, nhận đúc vàng thì trực đó nhận lo việc cho chu tất, nếu trực nào chậm trễ, khất lần để kéo dài càng làm phức tạp thêm thì bị phạt không tha. Trong phố ở trực nào có ai đến kỳ ứng hành theo thủ phiên cắt cử mà không làm hoặc để khiếm khuyết, lại có lòng tham tơ hào tài vật chung bị phát giác tất bị phạt. Còn những đương trực, thủ phiên không gắng sức đốc thúc công việc cũng bị phạt không tha. Lại bắt cả những người trốn tránh để làm răn.
Điều thứ 49, trong phố khi có việc quan dịch thì đương trực, cán sự trình với trưởng phố để thông báo với toàn dân trong phố để có mặt đầy đủ, chờ tam phiên, đương trưởng về bản phố chiếu theo sổ bạ điểm số. Ai vắng mặt sẽ bị phạt 3 mạch tiền, hoặc phải trình cau trầu nộp với 1 mạch tiền để thế vào. Còn có ai đi xa không về kịp mà quả có việc cần thiết thì châm chước. Những ai khi trở về làng mà không theo lệ này, cùng gia đình bày mưu tính kế ngầm ý với viên trưởng đương trực để thoái thác, lấy tư làm công mà bị phát giác thì bị phạt 1 con lợn giá 1 quan 8 mạch tiền, còn viên trưởng đương trực cũng bị phạt như lệ trên để nghiêm khoán ước.
Điều thứ 50, bản phố hội họp bàn định khi có việc quan dịch phải nghiêm cẩn. Nếu có ý gian lạm dụng hoặc vì công vì tư không kể to nhỏ, có người nào tố cáo mà bản phố điều tra thấy quả tang thì tuỳ theo nặng nhẹ mà bắt phạt 1 con trâu giá tiền 5 quan; nếu nặng thì tước bỏ (ngôi thứ), như vậy để cảnh tỉnh tà tâm.
Điều thứ 51, trong phố có ai đang ứng hành quan dịch mà sợ vất vả nghĩ cách trốn tránh đến nơi khác để bỏ khuyết quan dịch. Bản phố họp bàn chiếu theo danh vị người đó ở bàn nào, thứ nào không cho tuần tự thăng tiến. Nếu vượt kỳ thăng tiến 1 năm, mà người đó có cơi trầu trình bản phố, thì tuỳ theo sự châm chước mà truy thu tiền gốc và tiền phí tổn. Nếu nạp đủ thì viên ấy từ đó về sau tuần tự thăng tiến. Nếu quá hạn mà không nạp số tiền đó thì định lệ tước bỏ (thành người ngoài phố) để răn đe người khác; còn số tiền đó thì cả phố cùng chịu.
Điều thứ 52, nghề riêng của phố ta là của báu quốc gia, từ trước đã thành khuôn thước, phải giữ phép phụng sự việc công không thể xem nhẹ. Nếu có ai nhộn nhạo, xem thường phép tắc, bản phố tra xét mà đúng thì sẽ bị phạt 1 con trâu giá 5 quan tiền hoặc viên nào đi tra xét có ý thiên lệch cũng bị phạt như trên.
Điều thứ 53, trong phố có ai tiêu mất tiền quan, tiền công, bản phố họp định truy thu gia sản, ruộng vườn người đó, mang bán đi để lấy tiền bồi hoàn. Nếu nhà đó nghèo túng không có gì để thu thì đến thu gia tộc nội ngoại số tiền đó và cả tiền tổn phí cho đủ số. Còn người đó sẽ bị tước danh vị ra thành người ngoài phố; người nào sinh ý ngang ngược không chịu thì bản phố nhất nhất bắt phải chịu.
Điều thứ 54, trong phố có ai ỷ vào quyền thế mà bỏ bễ khiếm khuyết quan dịch nhiều lần, thì bản phố họp định bắt phạt 1 con trâu chuẩn giá tiền 10 quan cùng tiền phí tổn bao nhiêu thì người đó phải chịu cả. Nếu người đó ngang ngạnh sinh ý làm khác đi thì cả phố trên dưới nhất thảy bắt phải chịu để cảnh tỉnh và giữ nghiêm tập tục.
Điều thứ 55, trong phố có người nào gia thế khó khăn không kham nổi thì trình phố cau trầu để xin làm người ngoại thị, nếu được xem là thực tình thì thu tiền cho đủ theo lệ. Còn người đó về sau gia đình khá giả mà xin nạp quyên tiền (tiền góp của phố) thì lại được tái ngồi vào vị trí cũ. Bản phố chiếu theo thứ hạng cũ tại bàn nào, thứ hạng nào thì cho hạ xuống 3 bậc. Còn người nào trước ở dưới bàn thứ thì tái chiếu dưới bàn hạ 3 bậc. Làm như vậy để giữ nghiêm khoán lệ.
Điều thứ 56, việc chơi cờ bạc ở đình, nhất thiết cấm hẳn. Nếu có ai lẻn chơi bị phát giác thì bắt cả bàn mỗi người 1 con lợn giá 3 quan tiền.
Điều thứ 57, bản phố có đồ tế khí phụng thờ lưu giữ tại cung cấm trong đình, có ai manh tâm lấy trộm mà bị tố giác. Bản phố điều tra đúng sự thực thì truy thu số đồ vật đó và bắt phạt 1 con trâu giá tiền 10 quan và treo thưởng cho người tố giác là 5 quan tiền, cùng tiền phí tổn bao nhiêu truy thu người lấy trộm. Làm như vậy để chấn chỉnh tệ đoan.
Điều thứ 58, bản phố có đồ tế khí lưu giữ tại đình, nếu có ai bất cẩn làm vỡ, không cứ đồ vật lớn nhỏ đều hạn trong 1 tháng phải tìm mua để thế vào. Nếu quá hạn định mà không bồi hoàn thì định tội không tha.
Trở lên là các điều lệ mà bản phố trên dưới cùng các người kế thừa về sau nghiêm chỉnh thực thi không được làm trái. Trong các điều lệ đó có chỗ cần được thêm bớt thì bản phố hội họp trên dưới đủ mặt mới được sửa đổi và phụ chép vào. Nếu có ai không tuân theo điều lệ mà tư tình sửa chữa tuỳ tiện thì bản phố định tội phạt 1 con trâu giá 10 quan tiền để cho nghiêm khoán lệ. Nay lập điều lệ.
[Ngày lành tháng trọng thu năm Giáp Dần niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 2 (1794), Thượng toát Lê Đức Trương ký, cai hợp Trần Đình Cường ký, cai hợp Trần Vũ Quốc ký, sinh viên Vũ Nguyễn Trạc ký, cai hợp Hoàng Đình Duy ký, huyện thừa Vũ Đình Bân ký, trùm cự bàn Nho sinh Vũ Đình Luyện ký, cai hợp Nguyễn Đình Ngoạn ký, Phạm Đình Chu ký, Vũ Nguyễn Hoằng ký, Phạm Quang Biểu ký, Lê Đình Khiêm ký, sinh đồ Hoàng Gia Hiến ký, hương nhiêu Trần Vũ Cơ ký, Nguyễn Đình Tuấn ký, Vũ Nguyễn Nhương ký, sinh viên Trần Vũ Huy ký, hợp bàn nhiêu nam Vũ Đình Trưởng ký, Hoàng Đình Yên ký, Nguyễn Đình Thư ký, cùng toàn phố trên dưới ký]2.
Ngày lành tháng mạnh đông năm Ất Dậu niên hiệu Minh Mệnh 6 (1825). Thượng toát bàn Vũ Đình Kỳ ký, Nguyễn Đình Ôn ký, Phạm Đăng Hội ký, Lê Đình Bảo ký, Phạm Đình Minh ký, trùm cự bàn Trần Đình Hàm ký, Vũ Đình Tôn ký, Phạm Đăng Khánh ký, Đỗ Tất Tế ký, Phạm Đình Tín ký, Trần Đình Tựu ký, trùm nhị bàn Phạm Đình Chung ký, Trần Đức Súng ký, Phạm Đình Mỹ ký, Đỗ Huy Dung ký, Phạm Đình Đồng ký, lệnh cự bàn Nguyễn Duy Hinh ký, Phạm Đình Phấn ký, Trần Đình Lãng ký, Hoàng Đình Bản ký, Vũ Đình Sâm ký. Lệnh nhị bàn Vũ Đình Hoán ký, Trần Đình Phổ ký, Trần Đình Thắng ký, Trần Đình Thuật ký, Phạm Đình Kiêm ký, Phạm Đình Trị ký, trưởng cự bàn Lê Đình Hiếu ký, Nguyễn Đình Phùng ký, Phạm Đình Lục ký, Phạm Đăng Giám ký, Vũ Hữu Dực ký, trưởng nhị bàn Vũ Đình Phụng ký, Đỗ Huy Dụ ký, Phạm Đăng Thư ký, Đỗ Đức Hoằng ký, Nguyễn Đình Thuân ký, Trần Đình Truy ký.
Thứ ba bàn Trần Đình Huy ký, Vũ Đình Lộc ký, Phạm Đình Văn ký, Trần Đức Thận ký, Phạm Đình Đại ký, Vũ Đình Chi ký, thứ tư bàn Vũ Đình Hiên ký, Nguyễn Đình Trục ký, Đỗ Tông Trinh ký, Trần Đình Khanh ký, Phạm Duy Tuyền ký, Nguyễn Đình Ân ký.
Thứ năm bàn Phạm Đình Phái ký, Vũ Đình Trạch, Đỗ Huy Chử ký, Phạm Đăng Hựu ký, Trần Đình Nhị ký, cùng toàn phố trên dưới ký.
(Bài tế văn nhập tịch xuất tịch do viên quan là cựu tiến sĩ Thị lang trung Đại học sĩ người Hoa Đường soạn).
"Duy hoàng hiệu mỗ niên trùm lệnh trưởng đồng thị thượng hạ đẳng vi kì phúc sự cẩn dĩ mỗ vật cảm chiêu cáo vu : ... ’’.
Ngày 27 tháng 8 năm Minh Mệnh 8 (1827) toàn phố trên dưới hội họp bổ sung điều lệ 1 điều là phàm các tiết lễ khi giết trâu bò, thì bộ lòng gan chia đều 2 phần, trong đó 1 phần bày làm cỗ, 1 phần chia cho dân phố trên dưới; còn như thịt thủ và đuôi thì mỗi phần 1 khoanh, cùng thịt 2 khoanh biếu thượng toát bàn. Lấy thị cổ 1 khoanh chia làm 2 phần, chỗ gần vai thì biếu trùm cự bàn, chỗ gần thủ thì biếu trùm nhị bàn, số còn lại và chỗ thịt mũi để lại làm cỗ. Thịt còn lại chia toàn dân trong ngoài phố theo như lệ chia thịt lợn trong lễ kỳ phúc. Còn lại 4 chân thì để lại 3 chiếc, còn 1 chiếc cho chân giữ sổ bạ.
Ngày 20 tháng 11 năm Minh Mệnh 13 (1832) toàn phố trên dưới hội họp tu bổ điều lệ phàm là 4 mùa 8 tiết trong năm thêm thịt lợn cho đủ 2 lễ, xôi 2 mâm, cau trầu 20 khẩu, rượu 1 chai chuẩn giá tiền là 3 mạch. Nay họp định.
Ngày 16 tháng 2 năm Minh Mệnh 18 (1837) toàn phố trên dưới hội họp bàn về lễ xướng ca luân phiên làm cỗ. Theo trước ngày tuy có định lệ, nhưng lễ sắm nhiều thành ra thái quá, nay bản phố họp định mỗi cỗ chuẩn giá tiền là 1 quan 5 mạch. Còn các cỗ bát kê ra sau đây để về sau chiếu theo mà sắm không được tăng giảm. Nay lập điều lệ mới. Kê:
Chim 1 bát, gà 1 bát, ngan 1 bát, chân lợn 1 bát, thịt nướng 1 bát, thịt nạc 1 bát, cua 1 bát, lươn 1 bát, cá bào ngư 1 bát, cá trắm 1 bát, giả dê 1 bát, giả ba ba 1 bát, giả cầy 1 bát, cơm nén 1 đĩa, nước mắm 1 bát, trà 1 bát, xôi vừng 2 đĩa, giò lụa 1 đĩa, giò vân 1 đĩa, giò hoa 1 đĩa, chả hoa 1 đĩa, chả phồng 1 đĩa, chả quế 1 đĩa, chả rau 1 đĩa, chả dồi 1 đĩa, bánh lá 1 đĩa màu vàng, bánh út 1 đĩa màu vàng, bánh bột bọc 1 đĩa màu màu trắng, giò thái lẻ 1 đĩa, mất bí 1 đĩa, mất cam 1 đĩa, mất hạt sen 1 đĩa.
Ngày 4 tháng 8 năm Thiệu Trị 3 (1843), bản phố hội họp bổ sung 1 điều là hễ viên nào đến kỳ luân chuyển lên giáp bàn, vào tiết xướng ca biện cỗ bàn giá 6 quan tiền. Lại thêm 1 điều nữa là hàng năm vào lễ nhập tịch, biện xôi dầu rượu lễ tại đình trung phải tinh khiết, không được làm trái. Bản phố họp định lệ từ thứ bàn đến trưởng bàn, mỗi ngày 1 viên biện lễ, hết lượt lại quay trở lại. Có ai đến lượt mà làm trái sẽ bị phạt tiền như lệ định. Làm như vậy để giữ việc phụng sự Thần cho nghiêm cẩn. Nay định lệ.
Chú thích:
1 Trích trong Tục lệ làng xã cổ truyền Việt nam (Đinh Khắc Thuân chủ biên), Nxb. KHXH, H.2006, tr.49-65.
2 này chỉ có ở bản năm Cảnh Thịnh 2, còn bản năm Thiệu Trị 3 đã lược bỏ.
*Xin chân thành cảm ơn GS. Đinh Khắc Thuân (Phó TBT tạp chí Hán Nôm)
đã gửi trực tiếp cho Blog bản dịch này.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét